Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Tự hào phim Việt 'Ròm' lần đầu tiên trong lịch sử thắng lớn 2 giải thưởng Quốc tế

778
0

Phim “Ròm” được nhiều người trong nghề ví như phiên bản Việt của “Ký sinh trùng”-bộ phim Hàn Quốc vừa được Oscar. Sau nhiều lao đao chưa được ra rạp thì “Ròm” lại vừa “ẵm” một giải thưởng quốc tế thứ hai.

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, sống ở xóm lao động nghèo, bị bủa vây bởi nhọc nhằn mưu sinh và tệ nạn xã hội, đạo diễn Trần Thanh Huy đưa chất liệu cuộc đời vào bộ phim đầu tay – Ròm.

Ròm kể về những đứa trẻ cò đề và người dân chơi đề ở một khu chung cư cũ, lấy cảm hứng từ xóm lao động nghèo ở Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Theo chia sẻ của đạo diễn Trần Thanh Huy, ngày 04/09 vừa qua “Ròm” tiếp tục đạt giải thưởng Best First Feature Film Award tại Fantasia IFF 2020.

Bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đã đoạt giải thưởng New Currents – giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019. Nhưng khi đó, Ròm vẫn chưa có giấy phép phát hành tại Việt Nam nên chưa thể đến với khán giả trong nước.

Ròm là phim truyện được Trần Thanh Huy phát triển từ 16h30, phim ngắn từng đoạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Trần Thanh Huy mất 8 năm ròng rã theo đuổi dự án đến ngày được cấp phép. Bộ phim dự kiến được công chiếu vào ngày 31/07 nhưng do diễn biến dịch phức tạp nên lịch chiếu đã rời lại.

Ròm khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt các thiếu niên đường phố. Phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, kể về cuộc sống của những người dân nơi đây. Họ đều chơi số đề với hi vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời.

Trần Anh Khoa trong vai Ròm

Ròm là tên nhân vật chính (Trần Anh Khoa đóng), cậu bé làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày. Ròm chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề. Tuy nhiên, Ròm phải cạnh tranh sống còn với Phúc, một tay cò đề giang hồ cùng khu. Có cuộc sống vất vả nhưng Ròm vẫn rất lạc quan. Cậu mong kiếm được nhiều tiền để đi tìm cha mẹ đã thất lạc.

Qua Ròm, đạo diễn Trần Thanh Huy truyền tải đến người xem một thế giới vừa xa lạ và vừa quen thuộc về tầng lớp lao động nghèo.

“Tôi muốn tạo nên hơi thở cuộc sống khi để các diễn viên dường như hòa nhập hẳn vào câu chuyện của phim, những lời thoại hay tình huống trong phim đều được xây dựng tự nhiên và gần gũi nhất như đời thường” – Trần Thanh Huy chia sẻ.

Phim cũng hứa hẹn sẽ gây ấn tượng với khán giả bởi những cảnh hành động, xô xát giữa hai đứa trẻ, những màn rượt đuổi từ ngõ hẻm chật chột ra đến phố xá đông đúc.

“Ròm” được ông Darin Scott – Chủ tịch hội đồng giám tuyển New Flesh của LHP Fantasia 2020 đánh giá như sau: “Một bộ phim có những cảnh quay đẹp, những diễn xuất tuyệt vời, một câu chuyện đầy cảm xúc của một cậu bé giao vé dò, cố gắng để tồn tại”.

“Ròm” được Trần Thanh Huy chấp bút viết kịch bản trên tinh thần bài “Chạy” của Wowy. Cũng như nhân vật Ròm trong phim, đạo diễn Trần Thanh Huy và đoàn làm phim của mình đã chạy một cuộc đua không ngừng nghỉ trong suốt 8 năm trời để có thể đưa bộ phim đến với màn ảnh rộng và khán giả Việt Nam.

Được coi là tác phẩm tiên phong đào sâu vào đề tài số đề, Trần Thanh Huy đã mất nhiều tháng để thâm nhập vào thế giới này. Ròm hứa hẹn sẽ mang lại những góc nhìn chân thật nhất về cuộc sống đường phố quen thuộc ở Việt Nam. Nhiều người ví nó với “Ký sinh trùng”, bộ phim Hàn Quốc vừa được Oscar. Sự thành công của “Ký sinh trùng” chính là xu hướng mới của điện ảnh thế giới sau khi đã chán chê những cảnh nóng, người đẹp và những góc quay hào nhoáng. Sau tất cả, và nhất là sau ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, người ta có nhu cầu quan tâm đến đời sống thật, với tất cả sự đẹp đẽ lẫn cay đắng của nó.

Có thể coi “Ròm” như một dự án phim độc lập, không có những yếu tố thương mại như phục trang đẹp hay diễn viên nổi tiếng. Cát Phượng là “sao” hiếm hoi góp mặt trong “Ròm”. Ban đầu lúc Trần Thanh Huy mời Cát Phượng vào vai, cô chỉ lấy cát-xê tượng trưng, song đến cuối cùng sau một thời gian cùng đoàn phim lăn lộn Cát Phượng đã quyết định trích ra phân nửa cát-xê để đầu tư ngược lại cho ê-kip. Vì phim không có nguồn tiền PR đổ vào như các phim điện ảnh lớn khác, trong những ngày chờ công chiếu, đoàn phim đã làm một dự án hậu trường dài kỳ dưới dạng phim tài liệu, trong đó công bố rất nhiều “chuyện chưa kể”.

Xuyên suốt clip hậu trường về hành trình 8 năm của “Ròm”, khán giả có thể thấy rất nhiều hình ảnh, có cả mồ hôi, máu và nước mắt trên phim trường, có thời điểm đoàn phim rơi vào bế tắc, sự mệt mỏi hiện lên rõ trên khuôn mặt của từng thành viên. Cũng rất may, họ không dừng lại.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người thầy của Trần Thanh Huy chia sẻ cảm nhận khi chứng kiến hành trình của cậu học trò với “Ròm”: “Điện ảnh không phải là trò đùa. Điện ảnh là tiền bạc, là thời gian là sức lực. Sự say mê phải đạt đến mức điên khùng, gạt ra hết những khó khăn trước mắt để có thể đạt đến được mức độ hoàn hảo nhất khi thực hiện của bộ phim mình. Theo tôi, hành trình để phát triển phim ngắn 16:30 thành phim điện ảnh “Ròm” như các bạn trẻ hay nói bây giờ là cả một thời thanh xuân”.

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới