Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Thời kỳ dòng phim về xác sống có phải đang lên ngôi

482
0

Bên cạnh các bộ phim về ma cà rồng, thì phim về xác sống (zombie) là một trong những thành phần quan trọng nhất làm nên dòng phim kinh dị ăn khách. Sau thành công lớn của Night Of The Living Dead (1968) (tựa Việt: Xác Sống Trỗi Dậy), các thập kỷ sau của văn hóa đại chúng chứng kiến sự "hồi sinh" của zombie với hàng loạt video games, sách truyện và quan trọng nhất là điện ảnh.

Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, người ta có thể thấy những dấu hiệu thoái trào đầu tiên của cơn sốt từng làm nên nỗi sợ cho cả hành tinh. Series truyền hình The Walking Dead mất dần khán giả, các phim về zombie cũng trở nên thưa thớt. Thế thì để tìm hiểu về cái chết của xác sống trên phim, ta phải biết nó được sinh ra từ đâu.

Lịch sử zombie: Xác sống từ đâu "chui" ra?

Phim đầu tiên về zombie thường được các nhà nghiên cứu gán cho White Zombie (1932) (tựa Việt: Bạch Cương Thi) của đạo diễn Victor Hugo Halperin. Ý tưởng gốc của "zombie" trong phim là những người bị phù thủy đánh thuốc, chôn xuống và bới lên để làm nô lệ tại Haiti.

 

Hơn một nửa số nô lệ đã chết trong những năm đầu tới đây vì bệnh tật, đói ăn hoặc kiệt sức.

 

Quay ngược trở lại lịch sử từ thế kỷ 17 đến 18 tại đất nước Caribe nhỏ bé này, khi đang bị thực dân Pháp cai trị, bắt những nô lệ châu Phi làm việc trên những đồn điền mía đường, ý tưởng nguyên mẫu về xác sống không phải là kẻ làm nô lệ cho người khác mà là nô lệ của chính thân xác mình. Xuất hiện từ những năm 1625 đến khoảng 1800, những người nô lệ Haiti tin rằng nếu chết đi, họ sẽ được giải phóng về với đất mẹ và được tự do. Thế nhưng nếu như tự sát, họ sẽ trở thành những cái xác không hồn vĩnh viễn không được siêu thoát vì không biết trân trọng cơ thể của mình. Bị giam giữ trong chính tư tưởng không thể tự chết, bị đày đoạ bởi sự nô dịch và hà khắc hằng ngày, những người này nếu không bị điên thì cũng mất tỉnh táo trở nên đờ đẫn y như những cái xác không hồn.

Sau cuộc cách mạng Haiti năm 1804, zombie trở thành một phần trong văn hóa dân gian, tín ngưỡng bùa ám (voodoo) tại đất nước này. Người dân tại đây tin rằng zombie là sản phẩm của các thầy tế (bokor) hồi sinh người chết. Xác sống thời kỳ này được gọi là zombie – hậu – thực – dân, phản ánh nỗi ám ảnh về giai đoạn nô lệ kinh hoàng và sự cảnh giác của Haiti trước sự hồi sinh của chế độ này (sau cách mạng, nhiều lần Haiti đã suýt quay trở lại nền sản xuất chủ nô – nô lệ).

Cánh tay xác chết với lấy văn hóa Mỹ

Tại điểm này trong lịch sử khi khái niệm zombie đã hòa trộn với tín ngưỡng bùa chú và ma thuật ở Haiti, chúng bắt đầu lan sang Mỹ. Năm 1929, cụm từ "zombie" lần đầu tiên được William Seabrook sử dụng trong nghiên cứu về thuật bùa ám của người Haiti mang tên The Magic Island (Hòn Đảo Ma Thuật).

Cuốn sách mô tả trải nghiệm của ông đối với những xác sống – những kẻ với đôi mắt đờ đẫn và khuôn mặt vô cảm. Vốn đang đói khát những ý tưởng mới lạ về quái vật và những thứ kỳ dị vốn rất đắt khách thời bấy giờ, Hollywood bắt tay ngay vào việc tạo nên những xác sống Mỹ đáp ứng thị hiếu.

Sau White Zombie, phần hậu truyện mang tên Revolt of the Zombies (1936) (tựa Việt: Cuộc Nổi Dậy Của Zombie) mô tả một pháp sư Campuchia làm phép tạo ra một xác sống biết phục tùng. Cũng năm đó, Ouanga là câu chuyện về một chủ đồn điền kiêm nữ tế sư người Haiti là Klili (Fredi Washington) "triệu hồi" hai con xác sống đi bắt tình địch của người yêu cũ về để tế thần.

"Invisible Invaders" (1959)
 

Sau hai thập kỷ trung thành với cách dùng "bùa ngải" Haiti truyền thống, sang tới thập niên 50 điện ảnh thử nghiệm khái niệm zombie với nhiều cách sáng tạo hơn. Nhà khoa họcđiên trong Teenage Zombies (1959) đã sử dụng hơi độc thần kinh, trong khi người ngoài hành tinh trong 9 From Outer Space (1959) mới là nguyên nhân tạo nên các xác sống đáng sợ.

"9 From Outer Space" (1959)
 

Invisible Invaders và The Last Man on Earth cũng là các phim biến zombie từ những sinh vật biết nghe lời: biết bắt cóc người hoặc đi lao động khổ sai trở thành lũ đầu óc bã đậu – những cỗ máy giết chóc thực sự.

Đó là mầm mống cho hình tượng kinh điển của xác sống trong những thập niên sau này.

Những xác sống của Romero

Thế rồi ngày George Romero mới mất vào tháng 7 năm 2017, để lại trong lòng người hâm mộ tiếc thương về một người đã có công hồi sinh dòng phim về xác sống mà hòn đá tảng đầu tiên là Night Of The Living Dead. Phim gây ra cú sốc cho khán giả về mặt hình ảnh máu me, nhưng chính điều đó đã đem lại thành công để Romero tiếp tục "đẻ" thêm 5 phần hậu truyện và nhiều phim bên lề liên quan tới hình ảnh xác sống.

Romero là người có công rất lớn trong việc phục hưng dòng phim về zombie

Trong khi vay mượn các yếu tố từ zombie truyền thống, Romero đã xác lập các tiền lệ rõ ràng mà sau này đã định hình cho khái niệm zombie trong suốt những thập kỷ sau này cho tới tận bây giờ:

Một, những xác sống bị thúc đẩy bởi cơn đói thịt sống. Hai, các cảnh chiến đấu zombie phải được thể hiện rõ ràng và cực kỳ chân thực, mở ra kỷ nguyên của thứ điện ảnh máu me. Ba, zombie chỉ có thể chết bởi một viên đạn xuyên qua đầu và bốn, "đại dịch zombie" lây lan thông qua những vết cắn.

 

Ngoài ra, các "hạng mục" khác cũng được tìm thấy trong phim của Romero sau này trở thành quy chuẩn của một xác sống "chuẩn mực" bao gồm: di chuyển xiêu vẹo, các chi (chân, tay) và bộ phận cơ thể không lành lặn, phần còn lại thì gá tạm lên cơ thể. Trong những phim thế này, thì sống sót trong đại dịch zombie đã là chiến thắng.

Zombie thời hiện đại

Một số phim zombie thời hiện đại tìm thấy cảm hứng trong sự nở rộ của dòng game bắn giết zombie, như Resident Evil hay House of the Dead chẳng hạn. Số khác như 28 Days Later hay I Am Legend thì tái hiện nỗi sợ về căn bệnh zombie lây lan trong cộng đồng, xóa sổ gần như tất cả con người.

Hiện tượng về zombie từ Hollywood đã lan sang khắp thế giới, điểm qua sơ sơ chúng ta có các đại diện Australia (Wyrmwood), Đức (Rammbock), Pháp (The Horde), Ấn Độ (Rise of the Zombie), Anh Quốc (Cockneys vs. Zombies), Nhật (Stacy), Hy Lạp (Evil), Nam Phi (Last Ones Out), Bắc Âu (Dead Snow), Hong Kong (Bio Zombie), New Zealand (Black Sheep), Nam Mỹ (Plaga Zombie), cộng hòa Séc (Choking Hazard), Hàn Quốc (Train to Busan) và thậm chí là Cuba (Juan of the Dead).

Một cảnh trong "Dead Snow" (2009) (tựa Việt: Đội Quân Xác Chết).
 

Trong một thời gian dài, xác sống đã xuất hiện như một bài kiểm tra đối với các tệ nạn xã hội ở Mỹ. Từ chỗ xuất hiện như một sản phẩm đại diện cho nỗi sợ chiến tranh, chủ nghĩa tư bản, nỗi ám ảnh về vũ khí hạt nhân… của người Mỹ, zombie ngày nay đã mất đi từng đó ý tưởng để trở thành hình thức giải trí hoàn toàn độc lập với những thông điệp trước đây.

Giờ đây zombie, trong mường tượng của Hollywood, là đại diện cho thế lực quét sạch trái đất để trở về với những nguyên tố cơ bản nhất: con người, thiên nhiên, sinh tồn. Hãy nhìn The Walking Dead mà xem, dải đất không còn những ô nhiễm, kẹt xe, lừa đảo, chỉ còn lại rừng rậm, nhà bỏ hoang và những ý niệm sống sót. Nghe có vẻ như một viễn tưởng thú vị, không tưởng (utopia) hơn là kịch bản đáng sợ thường thấy của hậu tận thế (dystopian).

"The Walking Dead" khiến người ta thích thú về khả năng con người khi bị bỏ vào hoàn cảnh sinh tồn ngặt nghèo.

 

Thế nhưng một khi đã tách khỏi bối cảnh lịch sử và đứng riêng như một thứ ngôn ngữ giải trí, zombie đồng thời đã mất đi sự đáng sợ mà nó vốn có. Ngay cả những tên tuổi phim về xác sống đình đám nhất cũng đang dần khiến khán giả "miễn dịch".

Zombie ngày nay, bên cạnh yếu tố gây sợ hãi còn được lồng ghép các chi tiết mang hơi thở thời đại, như tính hài hước (Zombieland), tình yêu (Warm Bodies), đả nữ và zombie (Resident Evil) hay mường tượng về một thế giới mà đại dịch zombie được chữa khỏi nhưng để lại sang chấn tồi tệ cho những người từng là xác sống trong The Cured (Xác Sống).

"The Cured" (2018) lấy bối cảnh khi người ta tìm thấy được phương thuốc chữa trị cho xác sống tại Ireland.

Loạt phim về zombie thoái trào với những Resident Evil hay The Walking Dead, buộc các nhà làm phim phải thay đổi cách thức mô tả các sinh vật này mà dễ dàng nhất là khiến chúng chạy nhanh hơn và biết "hợp thể" với nhau (World War Z, Train to Busan…).

Không ai biết chắc trong tương lai người ta sẽ còn biến tấu hình ảnh zombie thế nào để trông hoành tráng hơn, hút khách hơn.

Điều này giống như một sự mỉa mai đối với lịch sử. Nếu như trong quá khứ, hình ảnh xác sống đại diện cho địa ngục trần gian – kết quả của chính sách chà đạp tàn khốc lên quyền làm người, thì zombie ngày nay lại là kịch bản khi người ta lãng mạn hóa tương lai nơi mọi quyết định dã man đều được lí giải bằng sinh tồn.

Phiên bản gốc – những "xác sống đen" đầu tiên xuất hiện trong bối cảnh con người ta quẫn trí tới mức hóa điên và tìm lấy cái chết như một sự giải thoát. Còn những zombie mà ta thấy ngày nay là hiện thân của chủ nghĩa trốn thoát – khi "sự nhiễm bệnh" của một người đồng nghĩa với tự do của những người còn lại.

 

Theo kenh14

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới