Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Thảm kịch 11/9 tác động Hollywood thế nào

300
0

Thảm kịch 11/9 tác động Hollywood thế nào

Các nhà làm phim Hollywood hiếm khi đề cập sự kiện 11/9 trong các sản phẩm thương mại, giải trí.

Theo nhà phê bình Joe Morgenstern của Wall Street Journal, vụ khủng bố 11/9 để lại ảnh hưởng khó phai tới giới làm phim Mỹ suốt hai thập niên. Phản ứng đầu tiên của Hollywood sau sự kiện là xóa toàn bộ hình ảnh liên quan World Trade Center - nơi xảy ra vụ tấn công - khỏi những phim chuẩn bị ra rạp. Các cảnh phá hủy quy mô lớn biến mất khỏi màn ảnh nước này một thời gian dài.

Suốt thập niên 2000, sự kiện 11/9 như "vùng đất cấm" với các nhà làm phim thương mại. Họ tập trung cho ra đời những tác phẩm giải trí nhẹ nhàng nhằm xoa dịu người dân khỏi những mất mát vừa trải qua. Một trong những dự án tiêu biểu nhất là loạt phim giả tưởng The Lord of the Rings, được hãng Warner Bros đẩy mạnh đầu tư và phát hành phần một tháng 12/2001.

Hollywood vốn nổi tiếng với việc tìm cảm hứng từ sự kiện có thật trong lịch sử. From Here To Eternity (1953) của đạo diễn Fred Zinnemann khai thác trận chiến Trân Châu Cảng, nhận tám giải Oscar và được Viện Phim Mỹ xếp hạng bảo tồn. Đài CBS sản xuất 11 mùa series hài ăn khách M*A*S*H, lấy bối cảnh chiến tranh Triều Tiên. Vụ 11/9 cũng không phải lần đầu chủ nghĩa khủng bố xuất hiện tại Mỹ. Tháng 5/1995, tòa nhà Liên bang Alfred P. Murrah của chính phủ tại bang Oklahoma bị đánh bom khiến 168 người thiệt mạng. Một tháng sau, bom tấn hành động Die Hard With a Vengeance của Bruce Willis vẫn ra rạp và thu hơn 366 triệu USD, dù Wall Street Journal nhận xét những cảnh cháy nổ, thương vong có phần vô cảm với bối cảnh xã hội lúc đó.

Một cảnh trong "United 93", phim Hollywood đầu tiên khai thác đề tài 11/9, phát hành năm 2006. Ảnh: Moviestore

 

Sự im lặng trước thảm kịch 11/9 cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của sự kiện. Cây viết Joe Morgenstern nhận định Hollywood không thờ ơ mà chưa hiểu điều gì vừa xảy ra hay không biết kẻ thù mới của quốc gia là ai. Họ cũng lo sợ về an toàn của bản thân trong những năm sắp tới. Trong khi đó, cây viết Peter Bradshaw của Guardian nhận xét thái độ im lặng thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế trước nỗi đau của nạn nhân nhưng đồng thời tạo cảm giác nước Mỹ muốn cố quên đi sự việc.

Đến năm 2006, Hollywood mới có dự án giả tưởng đầu tiên về vụ khủng bố. Paul Greengrass phát hành United 93, lấy cảm hứng từ chiếc máy bay cuối cùng gặp nạn. Kịch bản dựa trên một số báo cáo của Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Mỹ (Ủy ban 11/9). Tác phẩm nhận nhiều lời khen vì ca ngợi những công dân dũng cảm trên máy bay trước khoảnh khắc định mệnh. Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert chấm điểm tuyệt đối, nhận xét phim thể hiện sự kính trọng, nghiêm túc với những nạn nhân cùng kịch bản chân thực, cảm động, ít phóng đại.

Cùng năm, đạo diễn từng đoạt giải Oscar Oliver Stone phát hành World Trade Center, dựa trên lời kể của các cảnh sát mắc kẹt trong tòa tháp đôi khi bị khủng bố tấn công. Tác phẩm thu hơn 163 triệu USD tại phòng vé và nhận nhiều lời khen về kỹ thuật làm phim. Nhà sản xuất đi gặp các gia đình nạn nhân và thông báo về dự án. Sở cảnh sát và cứu hỏa New York đều nói hài lòng với nội dung. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình xếp dự án vào thể loại "phim tuyên truyền" mang tính ca ngợi cách chính phủ đối phó thảm kịch. Cây viết Peter Bradshaw của Guardian nhận xét danh tiếng của đạo diễn người Mỹ suy giảm sau dự án này.

Trong khi đó, các nhà làm phim tài liệu tích cực hơn và nhiều lần thử giải mã những bí mật đằng sau vụ tấn công. Năm 2004, đạo diễn Michael Moore gây chấn động khi phát hành phim tài liệu Fahrenheit 9/11 tại LHP Cannes. Tác phẩm đoạt giải Cành Cọ Vàng và trở thành phim tài liệu ăn khách nhất mọi thời với doanh thu 119 triệu USD. Một số tác phẩm tiêu biểu khác gồm No End in Sight (2007) của Charles Ferguson, Taxi to the Dark Side (2007) của Alex Gibney hay The Unknown Known (2013) do Errol Morris đạo diễn. Tuy nhiên, mảng phim tài liệu vốn không có khả năng tiếp cận đông đảo công chúng như phim thương mại.

Một cảnh phim "Zero Dark Thirty". Ảnh: Alarmy

Giới phê bình đánh giá dư âm của sự kiện 11/9 vẫn bao trùm ngành phim Mỹ một thập niên trở lại đây. Những cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq nổ ra sau vụ khủng bố đã dấy lên các phong trào phim mới. The Hurt Locker (2008) diễn tả nội tâm của binh lính Mỹ tại Iraq và khát khao được trở về quê hương, đoàn tụ gia đình. Zero Dark Thirty (2012) đặt câu hỏi gay gắt về kế hoạch và giá trị đạo đức của chính phủ. Các phim JarheadOsama và Lone Survivor tập trung thể hiện nỗi đau, mất mát các phe khi tham chiến.

Đầu thập niên 2010, Hollywood rộ phong trào làm phim siêu anh hùng. Mô-típ chung kể về những nhóm người đứng lên bảo vệ thế giới khỏi sự tấn công của các thế lực tà ác. Trong Avengers (2012), Marvel chọn bối cảnh trận chiến giữa phe siêu anh hùng và người ngoài hành tinh tại New York, cùng địa điểm xảy ra vụ khủng bố 11/9. The Dark Knight (2012) của Christopher Nolan cũng được nhận xét mang ý nghĩa ẩn dụ về vụ tấn công với hình ảnh tòa nhà cao tầng bốc cháy sau lưng nhân vật Batman trên poster.

Giới phê bình nhận xét những hình ảnh siêu anh hùng, dù chỉ dừng ở mức giải trí, phù hợp với khát khao được bảo vệ và sống bình yên sau những mất mát quá khứ của người dân.

Ngày 11/9/2001, 19 phiến quân al-Qaeda cướp bốn máy bay chở khách, trong đó ba chiếc đâm vào các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York và Lầu Năm Góc, gây ra vụ tấn công khủng bố rung chuyển nước Mỹ, khiến hàng nghìn người thương vong. Mới đây, tổng thống Joe Biden ký lệnh giải mật tài liệu cuộc điều tra của chính phủ. "Chúng ta không bao giờ được quên nỗi đau của gia đình và thân nhân 2.977 người vô tội thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ", Biden nói trong buổi họp báo hôm 3/9.

 Nguồn ST

 

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới