Nhớ những thước phim ghi bằng máu
Những ngày kỷ niệm 60 năm Điện ảnh Quân đội nhân dân, những người trong nghề và công chúng yêu điện ảnh tài liệu xúc động nhớ về những nghệ sĩ, phóng viên chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội đã đổi máu của mình lấy những thước phim vô giá.
Hình ảnh tác nghiệp hiện trường phim tài liệu Danh tướng - quyết tử quân - Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
60 năm ấy biết bao là tình
Ngày 17-8 của 60 năm trước, tại thủ đô Hà Nội, Đoàn Điện ảnh Quân đội thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập.
Từ đây, một binh chủng mới với nhiệm vụ sản xuất các tác phẩm điện ảnh về đề tài quân đội trong điều kiện trang thiết bị hạn chế, nhân lực thiếu thốn, non trẻ về nghề nghiệp nhưng có ý chí quyết tâm mạnh mẽ.
Đầu năm 1963, nhiều cán bộ sáng tác được cấp trên bí mật cử vào Nam, đó là những nhân tố hình thành lực lượng Điện ảnh B2, tức Xưởng phim Quân Giải phóng sau này.
Các nghệ sĩ chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân khi thực hiện bộ phim tài liệu Những người giữ biển - Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Để có được những thước phim chân thực, sống động, phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã lên đường ra mặt trận.
Với chiếc máy quay phim và khẩu súng, đội ngũ phóng viên chiến trường đã có mặt ở mọi chiến hào, trên khắp các mặt trận miền Bắc, miền Nam, sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam ở hai nước bạn Lào, Campuchia.
Cũng chính từ nơi mưa bom bão đạn ấy, nhiều thước phim chân thực và sinh động nhất về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quân dân ta được các phóng viên Điện ảnh Quân đội nhân dân ghi lại.
Những thước phim ghi bằng nhiều gian khổ hi sinh này đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội và nhân dân vượt qua mọi khó khăn để thống nhất nước nhà.
Các nghệ sĩ chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân khi thực hiện bộ phim tài liệu Khát vọng Trường Sa - Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, ngày nay, mặc dù gặp không ít khó khăn do tác động của điều kiện kinh tế thị trường như bao đơn vị nghệ thuật khác, song những nhà làm phim Điện ảnh Quân đội nhân dân vẫn tiếp tục có mặt trên khắp các nẻo đường từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để phản ánh đời sống, công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ đầy gian khổ và hi sinh.
Với những thước phim được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ, bằng cả sinh mạng của các thế hệ nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân qua các cuộc chiến tranh giành độc lập tự do và bảo vệ Tổ quốc, rất nhiều giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế đã được trao tới những nghệ sĩ, phóng viên mặc áo lính.
Nhưng phần thưởng cao quý nhất với những nghệ sĩ - chiến sĩ ấy vẫn là cái tình chứa chan mà bao thế hệ khán giả dành cho họ trong suốt 60 năm qua.
Các nghệ sĩ chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân khi thực hiện bộ phim truyện Người trở về - Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Những thước phim ghi bằng máu
Không yêu, không xúc động sao được khi xem những thước phim lịch sử quý giá được ghi ngay tại mặt trận nóng bỏng hay nơi biên giới hải đảo xa xôi, hiểm nguy rình rập mà những nghệ sĩ, phóng viên mang màu áo lính nhiều khi phải đổi cả máu và tính mạng của mình để ghi lại.
Có lẽ, ít có hãng phim nào mà tuy nhỏ gọn nhưng lại có tới 38 nghệ sĩ - chiến sĩ đã hi sinh cả trong giai đoạn chiến tranh lẫn thời bình như Điện ảnh Quân đội nhân dân.
Nhiều người đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ, có liệt sĩ ngã xuống khi đang cầm máy quay phim và vĩnh viễn không kịp nhìn thấy những hình ảnh của mình ghi lại…
Cùng với đó là hàng chục đồng chí khác bị thương hoặc vẫn mang trong mình di chứng của chiến tranh để có được những thước phim vô giá.
Bởi với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, những nghệ sĩ - chiến sĩ ấy luôn có mặt ở nơi mà tình hình chiến sự nóng bỏng nhất. Với máy quay trên vai và bom đạn trên đầu, họ tiến lên với khát vọng ghi lại được những thước phim chân thực nhất về chiến tranh để mai này con cháu không quên ông cha họ đã sống và chiến đấu như thế nào.
Hình ảnh trong bộ phim tài liệu Hành trình hóa giải - Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Ngày nay, các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân vẫn còn kể cho nhau nghe về những thước phim ghi bằng máu cuối cùng của nhà quay phim Phan Văn Cam (nghệ danh Đồng Cam).
Chiến dịch mùa khô 1972, toàn bộ lực lượng quay phim, nhiếp ảnh Xưởng phim Quân Giải phóng miền Nam được tung ra khắp mặt trận B2. Chiến trường đang bước vào những ngày giằng co khốc liệt nhất giữa ta và địch.
Nhà quay phim Phan Văn Cam đã cùng với các đồng đội của mình xông ra giữa trận tiền. Và trong một trận đánh ác liệt, sau loạt bom đạn mù trời, đồng đội phát hiện ông nằm bất động, tay vẫn ôm chặt máy quay, hai vết thương xuyên qua lồng ngực trào máu.
"Cầm máy, quay phim tiếp…". Những lời sau cùng trước khi nhắm mắt của nhà quay phim này với đồng đội của mình chỉ thều thào yếu ớt mà mang sức nặng ngàn cân giục đồng đội tiến lên.
Hình ảnh tác nghiệp hiện trường phim tài liệu Bảy cồ tại Đồng Tháp - Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân
Còn ngay trong thời bình, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng luôn nhận về mình những phần khó khăn, nguy hiểm nhất. Bởi vậy mà khi đất nước đã im tiếng súng, những nghệ sĩ - chiến sĩ vẫn phải đổi cả tính mạng mình cho những thước phim chân thực về đất nước.
Với lòng say nghề và yêu những thước phim của mình như một phần máu thịt của cơ thể, Nguyễn Xuân Nghiệp - thế hệ quay phim thứ 5 của Điện ảnh Quân đội nhân dân - đã hi sinh ngay khi đang cầm máy cho bộ phim đầu tay của chính mình trên sông Đà (tỉnh Lai Châu) đang cuồn cuộn chảy mùa lũ năm 2005.
Bởi muốn khám phá và ghi vào ống kính những khuôn hình ấn tượng nhất, nhà quay phim Nguyễn Xuân Nghiệp đã phải hi sinh cả tính mạng của mình. "Tổ quốc đón anh về" như chính tên một bộ phim mà anh đã quay; còn gia đình, đồng nghiệp và công chúng thì thương tiếc khôn nguôi.
Bình luận