Giới làm phim 'nhường cơm sẻ áo'
Theo đạo diễn, khi thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều nhân viên trong tổ sản xuất, điều phối, âm thanh - ánh sáng của các đoàn lâm cảnh bế tắc. Anh cho biết: "Đa phần họ là lao động tự do, hưởng thù lao từng phim, không có lương cố định lẫn công ty chủ quản. Khi dịch bùng phát, nhiều người phải chạy từng bữa cơm, lo tiền thuê trọ hàng tháng". Hôm 11/7, anh khởi xướng ý tưởng thành lập một nhóm giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong ngành phim.
Đạo diễn Quang Dũng kêu gọi các nhà sản xuất, đạo diễn hỗ trợ nhân viên thiết kế mỹ thuật, âm thanh - ánh sáng - những người đứng sau thành công của phim.
Ban đầu, anh đăng một đường link để những người có hoàn cảnh khó khăn vào đăng ký, hơn 1.100 trường hợp liên hệ xin được giúp đỡ. Việc quyên góp chỉ hướng đến đối tượng trong cộng đồng làm phim ở TP HCM vì số tiền có hạn, anh gặp khó khăn trong khâu chứng thực thông tin. Nguyễn Quang Dũng và các cộng sự gọi đến các tổ trưởng của ê-kíp làm phim để kiểm tra từng hoàn cảnh. Anh nói:
"Tất nhiên, chúng tôi chỉ cố gắng kiểm tra kỹ chứ không quá nghi ngờ người ta, vì giúp được ai cũng là giúp thôi".
Sau ba ngày kêu gọi, anh nhận được sự hưởng ứng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Võ Thanh Hòa, diễn viên Phương Anh Đào, MC Liêu Hà Trinh, người mẫu - diễn viên Chế Nguyễn Quỳnh Châu..., số tiền thu về gần 400 triệu đồng. Ban đầu, anh dự định gửi voucher siêu thị trị 1,5 triệu đồng cho từng người. Nhận thấy tình hình mua sắm thực phẩm còn nhiều bất cập, anh chuyển sang chuyển khoản tiền mặt. Anh nói: "Chúng tôi sẽ kéo dài thời gian kêu gọi quyên góp đến chiều 16/7 thì ngừng vì lượng người đăng ký nhận trợ ngày càng đông, mà nguồn kinh phí có hạn".
Ngành điện ảnh trong nước "đóng băng" từ khi rạp phim ngừng hoat động hồi đầu tháng 5. Lần bùng phát dịch thứ tư là đợt các cụm rạp phải đóng cửa lâu nhất. Bà Mai Hoa - giám đốc marketing Galaxy - cho biết mỗi tháng doanh nghiệp này thua lỗ hơn 20 tỷ đồng. Đầu tháng 6, đại diện các đơn vị phát hành phim gửi công văn đến thủ tướng chính phủ và các bộ ngành, kêu cứu vì doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của họ gần như bằng 0 nhưng vẫn phải gồng gánh tiền thuê mặt bằng, lương, phúc lợi nhân viên. Các nhà sản xuất phim cũng lao đao. Minh Hằng - nhà sản xuất Bẫy ngọt ngào - cho biết sau khi phim hoãn ra rạp vào tháng 5, ê-kíp bị lỗ hàng tỷ đồng vì chi phí martketing.
Bình luận