Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

5 nỗi khổ của đàn ông được bật mí trong "Fight Club"

370
0

Fight Club là một bộ phim đặt trong bối cảnh xã hội nước Mỹ những năm 90, nhưng nó lại có rất nhiều tương đồng với xã hội Việt Nam bây giờ, đặc biệt là khi bàn đến sự quay quắt của đàn ông trong một xã hội "công nghiệp hóa - hiện đại hóa".

Một ví dụ thực tế dễ hiểu là: Bạn có thấy bỗng dưng dạo này nhiều anh bị "cắm sừng" hơn hẳn không? Thật ra những trào lưu trên mạng xã hội không thể hiện thực trạng xã hội, mà nó thể hiện mối quan ngại của xã hội. Nhiều tin tức về chuyện đàn ông bị cắm sừng hơn, không phải là nhiều đàn ông bị cắm sừng hơn, mà là nhiều đàn ông lo sợ bị cắm sừng hơn. Điều này nói lên ý nghĩa gì? Đó là sự khủng hoảng tính nam, khi đàn ông bắt đầu cảm thấy mình yếu thế trước sự vươn lên của phụ nữ trong hệ thống xã hội.

Chúng ta đã nói nhiều về nữ quyền, có lẽ cũng đã đến lúc bắt đầu nghĩ đến nam quyền, qua một cách tiếp cận nhẹ nhàng là bằng điện ảnh, với trường hợp cụ thể - một bộ phim xếp vào hàng kinh điển của thập niên 90: Fight Club.

Sơ lược về cốt truyện, Fight Club xoay quanh một người đàn ông không tên, thường được gọi là "người dẫn truyện" (do Edward Norton thủ vai). Anh là một điều phối viên bảo hiểm trong một công ty sản xuất ô tô lớn. Công việc của anh là tính toán mức độ nghiêm trọng của một vụ tai nạn ô tô đến đâu thì đủ điều kiện để công nhận đó là lỗi sản xuất và phát lệnh thu hồi dòng xe. Nó khiến anh chán ghét và trầm uất, gây ra chứng bệnh mất ngủ. 6 tháng liền không ngủ được, cảm thấy cô đơn và mệt mỏi, anh tìm đến những nhóm hỗ trợ xã hội dành cho những người mắc bệnh nan y và đặc biệt gắn bó với câu lạc bộ những người đàn ông bị ung thư tinh hoàn.

Một ngày nọ, trên một chuyến bay công tác, anh gặp Tyler Durden (Brad Pitt thủ vai) - một tay du đãng buôn xà phòng "handmade" bằng mỡ người. Cảm thấy thú vị với lối sống bất cần của Tyler, người dẫn truyện đã kết bạn với hắn ngay lập tức.

Đúng lúc trở về thì căn hộ cấp cao của người dẫn truyện bị cháy, anh liền kiếm cớ dọn về ở chung với Tyler trong một căn nhà bỏ hoang. Hai người lập ra một "fight club" - câu lạc bộ chiến đấu gồm toàn đàn ông - dưới hầm một quán bar, sau khi nhận ra rằng đánh đấm mang đến cho họ cảm giác khoái lạc về sự sống.

Điều luật cơ bản nhất của Fight Club là "không được nói về câu lạc bộ", nhưng bất chấp điều đó, nó càng ngày càng trở nên đông đúc, và các thành viên đều hết lòng tôn thờ nó cũng như Tyler Durden. Mọi việc bắt đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi Tyler không chỉ dừng lại ở một câu lạc bộ, mà mở thêm "chi nhánh" ở rất nhiều nơi, và leo thang thành Chiến dịch Mayhem - một chiến dịch khủng bố với mục tiêu xóa sạch "văn minh" và thiết lập lại trật tự xã hội từ thời khởi nguyên.

Fight Club sản xuất năm 1999 dưới bàn tay đạo diễn David Fincher, dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chuck Palahniuk. Phim thất bại về doanh thu vào thời điểm nó ra mắt; đồng thời bị chỉ trích nặng nề vì những cảnh bạo lực và tính mơ hồ về đạo đức. Tuy nhiên, nó lại được đánh giá rất cao về đạo diễn, diễn xuất, chủ đề cũng như thông điệp truyền tải. Theo thời gian, sự đón nhận của công chúng và giới phê bình đối với Fight Club càng ngày càng trở nên tích cực, và thành công với bản DVD đã khiến Fight Club trở thành một "cult film" - một biểu tượng văn hóa được tôn thờ qua nhiều thế hệ. Hiện phim được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của thập niên 90.

Đã là "cult film" thì có rất nhiều điều để nói, thậm chí có thể đóng thành sách đem đi xuất bản cũng được. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ chỉ bàn đến chủ đề lớn nhất trong phim: Sự suy thoái của tính nam và cùng với đó là nỗi hoang mang của đàn ông trong xã hội hiện đại. Mà ở đây, để tiện cho bạn đọc theo dõi, bài viết sẽ chia thành 5 cái khổ của "thân trai mười hai bến nước", như sau:

1. Khổ vì không biết mình là ai

Xét trên poster chính thức của phim, chúng ta có hai nhân vật: Người kể chuyện không tên và Tyler Durden. Người kể chuyện có thể coi là một tiêu chuẩn "soái ca" của chị em và mục tiêu phấn đấu của anh em: mặt mũi sáng sủa, thu nhập tốt, địa vị ổn, nhà cao cửa rộng... Thế nhưng anh ta lại không có tên.

Trái ngược với Tyler Durden - một tay du đãng làm ti tỉ thứ việc lăng nhăng và nguồn thu nhập chính là từ những bánh xà phòng "handmade" làm bằng mỡ người - thì lại đầy đủ cả họ cả tên. Cái tên là thứ đầu tiên để định dạng một con người, vì vậy, việc để nhân vật chính không có tên đã nói lên con người của chính anh ta: Không có bản dạng, hay nói đúng hơn là, đang trong cơn hoang mang và rối mù về bản dạng. Anh ta không biết mình là ai.

Và trong cơn vật vã về bản dạng ấy, mỗi đêm anh ta lại "trà trộn" vào một câu lạc bộ hỗ trợ xã hội (hầu hết là hỗ trợ tinh thần người mắc bệnh nan y). Định mệnh đưa đẩy, anh ta gặp Marla Singer - Một cô ả cũng giả dối tham dự chỉ vì nó rẻ hơn đi xem phim và lại có cà phê miễn phí. Hãy xét đến điều này, cùng là dối trá, nhưng tại sao Marla lại luôn dùng tên thật còn nhân vật chính của chúng ta thì không? Đến cả khi đưa số điện thoại cho Marla, anh ta cũng không ghi tên. Và đúng như câu nói của Marla: "Anh là ai? Cornelius? Rupert? Travis? Tên nào trong số những cái tên ngu ngốc anh dùng mỗi đêm?"

Chỉ cho đến khi bước vào thế giới của Tyler Durden - một người luôn chắc chắn về bản thân mình, người dẫn truyện mới tự "sắm" cho mình một cái tên - Jack. Cái tên này được anh ta lấy từ một tuyến bài dài kỳ với phong cách rất "dị hợm" trên tạp chí - Các bài viết đều được viết ở ngôi thứ nhất, mỗi kỳ là một bộ phận trong cơ thể con người "lên tiếng": Hành não của Jack - Đầu ngực của Jill - Ruột già của Jack... "Jack" là một cái bản dạng đầy tạm bợ mà người dẫn truyện khoác vội vào mình, và phải chăng, chính anh ta cũng đang tự cười cợt vào nó?

Song, việc người dẫn truyện (từ đây tạm gọi là Jack) hoảng loạn về bản dạng chưa phải là thứ đáng lo ngại. Anh ta có thể là một trường hợp "lạc trôi" cá biệt nào đấy trong xã hội. Nhưng không, Jack có thể là bất cứ ai. Sự khuyết danh cũng có thể mang ý nghĩa này.

Quan ngại hơn nữa, dù anh ta có là Jack hay là Joe, là John hay là Jeff - xã hội cũng không quan tâm! Xã hội không quan tâm bạn là ai, mà nó quan tâm bạn làm gì. Nó thể hiện ngay qua câu làm quen kết bạn của Jack với Tyler Durden trên máy bay:

"Anh làm nghề gì?" 

Không phải "Anh tên là gì?", mà là "Anh làm nghề gì?". Để định nghĩa một con người, nghề nghiệp là gạch đầu dòng đầu tiên. Gạch thứ hai là gì? Là tài sản của anh ta.

Jack phải mua một cái bàn cà phê hình âm dương để thể hiện mình là người thông minh, một bộ văn phòng tại nhà Klipsk để thể hiện mình là người chăm chỉ, cái xe tập chạy Hovetrekke để thể hiện mình là người thể thao, cái đèn Rislampa - làm bằng giấy không tẩy trắng cực kì thân thiện với môi trường - để thể hiện mình là người thức thời, và cả "những chiếc đĩa thủy tinh với những bọt bóng nhỏ xíu và không hoàn hảo, chứng tỏ rằng chúng được làm thủ công bởi những người bản địa chăm chỉ, trung thực" để chứng minh mình là người tinh tế.

Nhu cầu thể hiện bản thân thông qua giá trị đồ đạc đã trở thành một thứ bản năng thiết yếu trong thời hiện đại, đến mức nó xếp ngang hàng với bản năng tình dục của thời trước: "Chúng ta đã từng đọc tạp chí khiêu dâm, nhưng giờ là bộ sưu tập Horchow." Việc Jack phải thỏa mãn bản thân - hay nói một cách thô thiển hơn là thủ dâm - bởi những bức ảnh đồ nội thất đồng nghĩa với việc thứ "con người" nhất trong anh ta cũng đã bị "công nghiệp hóa - hiện đại hóa" và nằm dưới sự điều khiển của chủ nghĩa tiêu dùng.

2. Khổ vì phải gồng mình lên cho "đàn ông"

"Là đàn ông, sống trên đời phải có chỗ đứng và cứng chỗ đó." - Một câu nói rất nổi tiếng trên mạng mà chúng ta vẫn thấy các anh đàn ông con trai hăng hái trích dẫn. Tuy nhiên, thật ra "cứng chỗ đó" nên được đảo lên trước "có chỗ đứng" thì đúng hơn, bởi "chỗ đó" chính là nỗi sợ hãi lớn nhất của đàn ông.

Hình ảnh về bộ phận sinh dục của đàn ông được nhắc lại nhiều lần trong phim, và luôn đi kèm với trạng thái bị cắt bỏ hoặc lo sợ bị cắt bỏ. Nghịch lý cuộc sống là tính nam vốn được cho là mạnh mẽ, nhưng nó thật ra lại rất dễ bị tổn thương. Chính vì sự lo sợ bị tổn thương này mà đàn ông luôn phải gồng mình lên để chứng tỏ bản thân, gây ra căng thẳng và ức chế tâm lý. Theo thông tin nghiên cứu, tỉ lệ tự sát của nam giới ở các nước phương Tây cao gấp 3-4 lần so với nữ giới; còn trên toàn thế giới, con số này là 1.7 lần (số liệu năm 2015). Điều gì đã dồn những người đàn ông vào đường cùng đến mức tự sát?

Có một thuật ngữ để gọi tên nó: "Tính nam độc hại" - Những tiêu chuẩn về đàn ông theo sự áp đặt của xã hội. "Cứng chỗ đó" cũng là một trong những tiêu chuẩn tiêu biểu về tính nam độc hại. Trong câu lạc bộ ung thư tinh hoàn mà Jack lẻn vào tham gia, câu chuyện của anh bạn Bob có lẽ là một thứ bi kịch chỉ có ở thời hiện đại: Sử dụng thuốc steroid để tăng cơ bắp, hậu quả là bị ung thư tinh hoàn phải cắt bỏ, rồi bị phá sản, rồi bị vợ con bỏ rơi; cuối cùng chỉ có thể tìm đến niềm an ủi ở những người đàn ông cùng cảnh ngộ.

Khẩu hiệu của câu lạc bộ ung thư tinh hoàn cũng là một thứ khiến người ta bật cười trong đau xót. Điều quan trọng phải nói ba lần, đúng là như vậy:

"Chúng ta vẫn là đàn ông. Đúng, chúng ta là đàn ông. Đàn ông chính là chúng ta."

Khẳng định như thế nhưng chắc hẳn những người đàn ông trong câu lạc bộ khó có thể tự khẳng định với bản thân mình là mình vẫn đàn ông được nữa, sau khi đã bị cắt bỏ tinh hoàn.

Nhưng cũng nhờ không còn cảm thấy hai chữ này mà họ lại cho mình được phép giải tỏa cảm xúc thông qua việc khóc (Một tiêu chuẩn khác trong tính nam độc hại là "Đàn ông không khóc").

Khi Jack úp mặt vào bộ ngực đồ sộ (do thừa hooc-môn nữ) của Bob và giả vờ như mình cũng đã mất tinh hoàn, anh cũng rũ bỏ được trọng trách đàn ông và cho phép mình được khóc. 

 

Sau 6 tháng mất ngủ triền miên, cuối cùng anh đã có một giấc ngủ ngon đến mức "trẻ con cũng không ngủ ngon được thế này." Tyler Durden từng đề cập đến một nỗi sợ vô lý là nỗi sợ bị "cắt" trong lúc ngủ. Nó vô lý, nhưng nó thể hiện được một nỗi sợ trong tiềm thức đàn ông về tính nam. Đủ thấy "các chàng" khổ thế nào - Đầu óc lúc nào cũng phải căng ra để làm sao sống từng phút từng giây đều luôn nam tính!

3. Khổ vì cô đơn đến cùng cực

Tính nam độc hại đã nhồi nhét vào đầu chúng ta rằng đàn ông là những sinh vật lạnh lùng, không có tình cảm - cảm xúc. Nhưng thực chất, tôi tin rằng đàn ông thậm chí còn nhiều cảm xúc hơn phụ nữ. Cái câu lạc bộ đánh đấm mà Tyler và Jack đồng sáng lập, thoạt nhìn thì chỉ thấy bạo lực máu me, nhưng nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy nó tràn đầy dục tính. Nó cũng không khác gì những cái ôm của câu lạc bộ ung thư tinh hoàn ở khoản tiếp xúc cơ thể, thậm chí còn hơn (vì có ai mặc áo đâu). Sự khao khát cái mềm mại của da thịt và thiếu thốn tình cảm được che đậy dưới một vỏ bọc thật cứng cỏi và lạnh lùng!

 

Trở lại với nhân vật chính của chúng ta, Jack là một người đàn ông có thể miêu tả từ "ổn phết" cho đến "hoàn hảo". Thế nhưng lúc nào anh ta cũng thui thủi một mình. 30 tuổi mà vẫn ế ẩm ế ương. Những người bạn duy nhất của anh ta là những hành khách ngồi cạnh anh ta trên những chuyến bay công tác - những người bạn "dùng một lần", như đường - kem - bơ trên máy bay, như combo dầu gội - dầu xả trong khách sạn. Jack có vẻ là một người khá thân thiện và chăm bắt chuyện với người khác, nhưng tại sao anh ta lại không có nổi một người bạn "lâu dài"? Liên hệ với căn bệnh mất ngủ của Jack, ta thấy nó tố cáo một nhịp sống công nghiệp nhanh khủng khiếp, không để cho con người một phút nào ngơi nghỉ. Con người cũng chỉ như những thứ hàng hóa, đóng hộp hoặc bọc ni-lông, hoàn toàn tách biệt và không có một mối liên kết nào với nhau. Cô đơn đến cùng cực.

Chính sự cô đơn đến cùng cực đó đã dẫn Jack bước vào những câu lạc bộ hỗ trợ người bị bệnh nan y, bởi: "Khi người ta nghĩ tôi sắp chết, người ta sẽ lắng nghe tôi thay vì chỉ chăm chăm chờ đến lượt họ nói." Tất nhiên, sự cô đơn này áp dụng cho cả nam và nữ trong xã hội hiện đại, với hai đại diện là Marla và Jack; song có lẽ tình trạng của Jack tệ hơn. Bởi nói về mức độ bất ổn tâm lý thì so với Jack, Marla còn bình thường chán!

4. Khổ vì yếu thế hơn đàn bà

Ở trên, chúng ta đã đề cập đến nỗi sợ bị thiến của Tyler Durden. Đầy đủ của nó là: "Khi anh đang ngủ, một người phụ nữ có thể cắt mất dương vật của anh và ném nó ra ngoài ô tô." Tyler chỉ đích danh người làm việc này không phải là một người đàn ông khác, mà là một người phụ nữ. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng Fight Club là một bộ phim thù ghét nữ giới, nhưng người viết không cho rằng đây là sự thù ghét nữ giới. Đó có thể là sự sợ hãi, nhưng tuyệt đối không phải thù ghét. Bởi nếu thù ghét nữ giới, nhân vật nữ duy nhất - Marla - đã không có vị trí quan trọng trong cốt truyện đến như vậy.

Tyler Durden là biểu tượng của tính nam cực đoan - từng thớ thịt trên cơ thể anh ta, từng lời nói của anh ta, từng hành động của anh ta - đều thở ra một đực tính nguyên thủy đầy hấp dẫn. Tyler xuất hiện khi Jack đang quay cuồng trong công cuộc tìm kiếm bản dạng - và như một vị Chúa, như một hình mẫu người cha mà Jack thiếu thốn ngày nhỏ - anh ta dễ dàng dẫn Jack đi theo ánh sáng của mình. Anh ta lập ra những câu lạc bộ đánh đấm dưới tầng hầm quán bar, cho những gã đàn ông thỏa sức đấm đá nhau đến khi kiệt quệ - một cách để trở về thời huy hoàng ngày xưa của đàn ông, khi tính nam và sức mạnh cơ bắp còn được trọng dụng.

Chỉ dừng lại ở đó thì không sao, nhưng Tyler Durden là một con đực nguyên thủy, nó đâu chịu chấp nhận một cái tự do trong khuôn khổ lòng đất như vậy? Và thế là kế hoạch Mayhem thành lập - được giấu kín hoàn toàn khỏi Jack, với mục tiêu là cài bom giật sập 12 tòa nhà của các tập đoàn tín dụng trong thành phố, phá hủy hoàn toàn nền kinh tế để thiết lập lại trật tự xã hội. Jack chỉ biết được việc này, cùng với thân phận thật của Tyler, khi gọi điện cho Marla.

Nếu chỉ nhìn trên bề mặt, chúng ta chỉ thấy một mối quan hệ tay ba đầy khó hiểu giữa Jack - Marla - Tyler; và Marla hình như chẳng có vai trò gì trong câu chuyện này. Ả chẳng thông minh, cũng chẳng mạnh mẽ, cũng chẳng có gì quyến rũ nốt. Chỉ là một cô ả trộm cắp vặt, nghèo xác nghèo xơ, lúc nào cũng phì phèo thuốc lá và tưởng tượng mình sắp chết. Thế nhưng nhìn lại một lần nữa, ta sẽ nhận ra chính Marla là người đã khiến Jack biết được Tyler là ai, kéo anh ra khỏi con đường đi tới sự hủy diệt do Tyler dẫn dắt. Khoảnh khắc thức tỉnh của Jack, chúng ta thấy anh ta trông y hệt Marla từ đằng sau, và cả hai người đều như mặc váy. Marla chính là sự phản chiếu của Jack, phiên bản nữ tính của Jack, và thậm chí là phần nữ tính của Jack.

Xét ngược lại những ngày mới quen Marla, suy nghĩ của Jack về Marla cũng đã đề cập đến sự phản chiếu: "Lời nói dối của cô ta phản chiếu lời nói dối của tôi."

Khi Jack bước vào thế giới tiềm thức để tìm kiếm con vật đại diện của mình, anh ta cũng gặp Marla. Marla - hay tính nữ - là một phần trong Jack, dù anh cố chối bỏ thế nào đi chăng nữa.

Buồn cười là Jack dễ dàng chấp nhận con chim cánh cụt làm linh vật của mình hơn là Marla, dù giữa anh và con chim cánh cụt chắc chắn có ít điểm chung hơn là anh với Marla.

Vì vậy, Fight Club có thể không phải là một phim nữ quyền, nhưng nói phản nữ quyền thì oan quá!

Tuy nhiên, nếu nhìn vào poster phim thì có thể dễ gây hiểu lầm thật. Trong poster, Tyler bóp chặt một chiếc bánh xà phòng màu hồng và giương cao một cách rất đắc thắng. Jack cũng cười rất đắc thắng ở đằng sau.

Bánh xà phòng này là một sản phẩm do Tyler thiết kế, cũng là phương pháp làm giàu của anh ta - làm xà phòng bằng mỡ lấy cắp từ thẩm mỹ viện, rồi đem bán với giá "cắt cổ". Một Robin Hood thời hiện đại của cánh đàn ông, lấy mỡ của đám phụ nữ giàu có và bán lại chính thứ mỡ đó cho các ả để chà sạch cơ thể. Tyler không chống lại nữ giới, mà chống lại nữ giới giàu có - hay nói cách khác, chống lại sự vươn lên nắm quyền của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Bởi cùng một số lượng công việc như vậy, nhiều phụ nữ có việc hơn cũng đồng thời kéo theo nhiều đàn ông mất việc hơn. Bản năng của một con đực sẽ bị tổn thương nghiêm trọng khi con cái không còn là đối tượng bảo vệ của nó, mà trở thành đối tượng đối đầu, hay thậm chí còn bảo vệ ngược lại. Chính câu nói của Tyler đã tiết lộ nỗi sợ về sự thoái trào sức mạnh của đàn ông:

"Chúng ta là một thế hệ những người đàn ông được nuôi lớn bởi phụ nữ."

Và cuối cùng nỗi sợ để thua một người phụ nữ của Tyler đã trở thành hiện thực. Marla là người được Jack lựa chọn, chứ không phải Tyler.

Marla thắng, dù ả chẳng làm gì. Tyler thua, dù anh ta đã làm rất nhiều thứ.

Sự thắng - thua ở đây không phải là nữ thắng nam, bởi cả hai phe đều có sự có hiện diện của Jack. Jack là đại diện cho bản thân người đàn ông, Tyler là tính nam của anh ta, Marla là tính nữ của anh ta. Tyler kết hợp với Jack thành phe "cái cũ"; Marla với Jack tạo ra phe "cái mới". Sự lựa chọn của Jack là đào thải quan niệm nam tính xưa cũ, và kiến tạo một quan niệm nam tính mới mẻ hơn, với nhiều phần nữ tính hơn. Tyler nỗ lực đến tận cùng nhưng anh ta vẫn thua, bởi anh ta đang chống lại một điều không thể chống lại - một thay đổi mang tính tất yếu trong tiến trình phát triển của lịch sử.

Đã đến lúc đàn ông phải chấp nhận rằng phụ nữ không còn là "phái yếu" để các ông che chở cho nữa. Phụ nữ đang vươn lên, và cạnh tranh trực tiếp với đàn ông trên mọi lĩnh vực. Đó là sự phát triển tất yếu của xã hội, và nó cũng chẳng có gì kinh khủng và đáng phải xấu hổ, như những gì chủ nghĩa nam tính cực đoan đã "tiêm nhiễm" vào đầu bạn.

5. Khổ vì không dám sống cho chính mình

Fight Club đề ra một "khái niệm mới" là "near-life experience" - trải nghiệm cận sinh, đó là "Chỉ khi mất tất cả thì chúng ta mới có thể tự do làm bất cứ điều gì." Thử tưởng tượng bạn là một cậu trai trẻ nghèo khó, vì hoàn cảnh nên đã bỏ học, hiện đang làm ở một cửa hàng tiện lợi để sống qua ngày.

Một đêm, bỗng dưng bạn bị lôi xềnh xệch ra sân sau và dí súng vào đầu: "Mày từng muốn trở thành cái gì hả, Raymond K Hessel?!"

Và trong cơn hoảng loạn tột độ vì sợ hãi, bạn lắp bắp rằng bạn muốn trở thành bác sĩ thú y. Bạn nhận ra bạn đã bỏ quên mục đích sống của mình từ lâu, và chỉ khi quỳ gối ở sân sau cửa hàng tiện lợi bạn đang làm việc, với một khẩu súng sau đầu; bạn mới nhận ra tất cả những điều đó. Không phải do hoàn cảnh, mà là do bản thân bạn đã không dám sống cho chính mình. Kẻ cầm súng cho bạn một điều kiện: "Tao giữ bằng lái của mày. Tao sẽ đến kiểm tra mày. Tao biết nơi mày sống. Nếu mày không quay lại học để trở thành bác sĩ thú y trong 6 tuần, thì mày sẽ phải chết.", và hắn thả cho bạn về nhà. Hắn nói ngày mai sẽ là ngày đẹp nhất trong cuộc đời bạn, và bữa sáng bạn ăn sẽ ngon tuyệt trần ai. Chúc mừng bạn - Raymond K Hessel, bạn vừa có "trải nghiệm cận sinh".

Hoặc tưởng tượng bạn đang ở trong một chiếc xe ô tô do hắn cầm lái. Hắn hỏi: "Điều gì cậu muốn làm trước khi chết?", bạn trả lời là "Tôi không biết. Không gì cả." Hắn lại hỏi: "Nếu giờ cậu chết thì cậu sẽ cảm thấy thế nào về cuộc đời mình?", và bạn lại trả lời "Tôi không biết. Không có gì tốt đẹp cả." Và hắn tăng tốc, bắt đầu lái chiếc xe một cách vô cùng ẩu tả. Bạn hoảng loạn, cố gắng giành quyền kiểm soát tay lái. Nhưng hắn nói: "Ngưng việc cố gắng kiểm soát mọi thứ, và buông thả đi! Buông thả đi!" Bạn quyết định buông thả, để chiếc xe ô tô của bạn đâm sầm vào một chiếc xe khác, lăn xuống dốc và rúm ró thành một đống sắt vụn. Bạn không chết, mà chỉ có một "trải nghiệm cận sinh". Đó là giây phút bạn hiểu được cảm giác của những người bị tai nạn ô tô, những con người mà trước đây bạn - Jack, người dẫn truyện - chỉ coi là những con số.

Bạn căm ghét công việc của mình, nhưng bạn lại không dám buông bỏ nó. Hắn - Tyler Durden - là tất cả những gì bạn muốn trở thành nhưng không dám trở thành. Từ lâu, bạn đã là một kẻ chỉ biết sống cho những tiêu chuẩn của xã hội mà chưa bao giờ sống cho chính mình, cho chính lương tâm của mình. Chỉ khi đặt mình vào lằn ranh sống - chết, bạn mới hiểu rằng mọi thứ đều là vô nghĩa, và đó cũng là lúc bạn bắt đầu tạo nghĩa cho sự tồn tại của bản thân.

Fight Club khiến khán giả của nó buộc phải ngừng lại một chút và chất vấn chính mình: "Nếu phải chết thì có điều gì mình cần phải làm không?" Sức ì là một lực cản vô cùng lớn. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng khao khát có một Tyler Durden để làm "hảo huynh đệ", và khi cần thì hắn ta sẽ dí súng vào đầu bạn để bắt bạn "tỉnh ra".

Thế nhưng hãy nhớ đến cái kết của Fight Club. Tyler thật cuốn hút và có vẻ lý tưởng, nhưng khi anh ta được tôn thờ, anh ta lại lạm quyền và trở thành một lãnh đạo của một tổ chức có phân tầng, không khác gì cái hệ thống mà anh ta đang chống lại. Đi theo Tyler, bạn sẽ phải cạo trọc đầu, ăn - ngủ - làm việc theo đội và trung thành tuyệt đối với những gì thủ lĩnh đề ra. Lại quay về cái vòng luẩn quẩn là đánh mất bản dạng và phải sống theo người khác. Bởi vậy, hãy nhìn vào bản thân mình trước tiên. Hãy xác định những gì mình muốn, và những gì mình phải làm để đạt được thứ mình muốn đó.

Luôn nhớ, sống như ta cần phải sống như vậy, chứ đừng chạy theo lối sống "mua những thứ ta không cần, để gây ấn tượng với những người ta không thích!".

 

Theo kenh14

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới