Để được xem phim MIỄN PHÍ 3G/4G, vui lòng truy cập bằng 3G/4G của Vinaphone; đăng nhập bằng wifi tại đây hoặc soạn ngay V gửi 1579

Em là Bà Nội của anh: Bản remake an toàn và trọn vẹn cảm xúc

1681
0

Sau thành công của bộ phim hài – tình cảm Hàn Quốc Miss Granny (Tựa Việt lúc ra rạp: Ngoại già tuổi 20), công ty CJ E&M đã quyết định lên làm lại tác phẩm ăn khách này trong khuôn khổ 6 quốc gia là Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Đức và Việt Nam. Em là bà nội của anh do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn, trước đến nay anh vốn nổi tiếng trong cộng đồng mạng với những bài cảm nhận phim sâu sắc, cùng nick name thân quen “Phanxine”.

Em là bà nội của anh thu hút sự chú ý của công chúng

Chuyện phim xoay quanh bà Đại (NSƯT Minh Đức), một bà lão 70 tuổi đã dành cả thời thanh xuân để nuôi dạy con trai nên người, sau khi chồng chẳng may hi sinh nơi mặt trận. Vốn kỹ tính, lại có phần cộc cằn, nên bà thường phiền lòng cô con dâu lơ đễnh (Hồng Ánh). Điều này khiến gia đình hay lời ra tiếng vào, bà Đức cũng rất tủi thân. Một lần ghé vào tiệm chụp ảnh mang tên “Mãi mãi tuổi thanh xuân”, khi bước ra bà Đại “hoảng hồn” khi nhìn thấy mình trong gương là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp (do ca sĩ/ diễn viên Miu Lê thủ vai).

Đổi tên thành Thanh Nga theo tên nghệ sĩ cải lương thần tượng, “bà” Đại quyết định xem đây là một phép màu mà trời ban tặng, tiếp tục theo đuổi đam mê ca hát mà mình đã bỏ lỡ từ lâu. Tuy nhiên trong cuộc đời mới mẻ này, nàng Thanh Nga lại vướng vào “tình tay tư” với ba người đàn ông cùng có tình cảm với cô, oái oăm thay trong đó còn có cậu cháu trai ruột (Ngô Kiến Huy).

Khán giả trước khi xem phim cần chuẩn bị tinh thần rằng Em là bà nội của anh “trung thành” với Miss Granny… đến từng khung hình, vì vậy sẽ không có một bất ngờ đáng kể nào dành cho những ai đã xem bản Hàn. Dù vậy, cũng thật bất công khi nói rằng phim không có chỗ trống cho sự sáng tạo. Phía biên kịch và đạo diễn đã tìm cách Việt hóa tất cả những yếu tố về văn hóa, từ món canh kim chi thì đã chuyển thành canh nêm mắm ruốc, cho đến áo quần của nữ nhân vật để không bị nhầm lẫn với một “bà nội” của những quốc gia khác. Một vài tình tiết nho nhỏ, thú vị cũng được thêm vào, như phân cảnh cả gia đình bà Đại tụ hợp để làm một pô ảnh ở đầu phim. Những chi tiết có phần lan man, thừa thãi của bản Hàn cũng được lược lại ngắn gọn. Những đoạn cần nước mắt đã lấy được nước mắt, những đoạn cần tiếng cười cũng lấy được tiếng cười. Xét trên mặt bằng phim Việt, Em là bà nội của anh là một phim khá.

Miu Lê hơi thiếu tiết chế trong một số pha hài hước. Nhưng cô lại thành công lấy cảm xúc khán giả ở những trường đoạn cần thiết.

Nhắc đến Miss Granny, thì âm nhạc là phần không thể thiếu. Những bài mang âm hưởng da diết, hoài niệm của nhân vật Oh Doo-ri trong bản gốc như Mưa đổ, Bướm trắng được đổi lại bằng Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn, hay 60 năm cuộc đời của Y Vân. Bản nhạc vui nhộn được Doo-ri biểu diễn với cây dù “Khi đến L.A hãy gửi thư cho em” thì giờ đây lại trở thành bài “Ô Mê Ly” của Elvis Phương, được Thanh Nga thể hiện một cách đáng yêu, đầy cảm xúc. Chắc hẳn các khán giả lớn tuổi sẽ tìm được sự đồng cảm, cùng chút nhớ nhung một thời xa xưa khi xem phim, còn riêng khán giả trẻ sẽ có cơ hội thưởng thức những bản “nhạc vàng” với chất giọng trong trẻo của nữ ca sĩ 9x trên nền nhạc cụ là trống và guitar điện hiện đại.

Đặc biệt, phim còn có hai ca khúc được sáng tác riêng là Mình Yêu Từ Bao Giờ (Nguyễn Hải Phong – trình bày Miu Lê) và Em Là Bà Nội Của Anh (Tăng Nhật Tuệ – trình bày Trọng Hiếu). Hai bản nhạc này được lồng ghép phù hợp với bối cảnh: Nếu Mình Yêu Từ Bao Giờ thể hiện một tình yêu nhẹ nhàng, giản dị của người trưởng thành; thì ca khúc của Trọng Hiếu lại bộc tả được cái chất “ngông” của người trẻ, dám làm những điều điên rồ vì tình yêu.

Thay cho dàn diễn viên xứ kim chi là những gương mặt hoặc có tiếng tăm, hoặc đang rất nổi trong làng điện ảnh Việt. Ngô Kiến Huy với vẻ mặt “cún con” dễ khiến khán giả nữ xuýt xoa, trái ngược lại là Hứa Vĩ Văn với vẻ điềm đạm, nam tính luôn thường trực không khó để mỗi khung hình mà anh xuất hiện đều khiến phái đẹp “rung động đậy”.  Vai cô con gái ngốc nghếch của ông Bé vốn khiến người xem “thấy ghét” trong bản Hàn, thì nay lại “chất” hơn hẳn nhờ duyên diễn hài của Thu Trang. Phim còn có sự tham gia trong vai phụ của hai gương mặt thần tượng đang được ưa thích là nam diễn viên Harry Lu và “nàng thơ” của rapper Đinh Tiến Đạt – Hari Won.

Cặp đôi nhân vật chính trong phim được yêu thích

Không quá bất ngờ, diễn xuất của Miu Lê luôn khiến người xem dạt dào cảm xúc. Chứng minh thực lực từ bộ phim hài chiếu Tết Nhà có năm nàng tiên, “công chúa mắt nai” khi làm “bà nội” của Ngô Kiến Huy thể hiện được một cá tính mạnh bạo, hoạt bát, nhưng đồng thời cũng dịu dàng, trìu mến khi cần. Điều này lại tạo ra bất cập trong tính cách nhân vật, là một điểm yếu của phim khi so với bản Hàn. Trong bản gốc, cả hai vai già-trẻ đều thể hiện tốt và đồng khớp bản tính ngang tàng của một bà cụ thức thời, am hiểu phim ảnh, thời trang, không ngại ngùng với những cử chỉ có phần bỗ bã. Ngược lại trong bản Việt, Miu Lê trẻ trung và tự nhiên bao nhiêu, thì cô Minh Đức lại có hơi “gồng mình”, nhập nhằng giữa thể hiện cá tính lẫn kiểu diễn đoan trang, nghiêm túc thường thấy ở kịch nói. Cho nên khi bà Đại trẻ lại, nhiều khán giả sẽ dễ dàng cảm nhận được sự mâu thuẫn, thiếu đồng bộ của cặp diễn viên hai thế hệ. Một vài tình tiết liên quan đến vấn đề truyền thống của người Việt còn thể hiện chưa đúng, nhưng đây là lỗi nhỏ không đáng bàn.

Nhìn chung, việc phim còn nhiều sạn, cũng như chưa tạo được dấu ấn riêng không khiến phim kém hấp dẫn. Em là bà nội của anh có cách làm nó tự tỏa sáng, những cảm xúc sau cùng đọng lại trong lòng người xem cũng có thể gọi là đủ đầy.

* Đánh giá chung: 7.1

- Kịch bản: 6.6

- Diễn xuất: 7

- Nhạc phim: 7.6

- Điểm hay: 

+ Dẫn dắt cảm xúc

+ Miu Lê diễn đáng yêu, dễ thương, đạt

+ Nhiều đoạn xúc động

- Điểm hạn chế:

+ Kịch bản trùng khớp nhiều với bản gốc.

(Sưu tầm)

Bình luận

Tin xem nhiều nhất

Tin mới